Viet Nam

Chương Trình Hòa Bình Việt Nam
Các dự án tại Việt Nam
Giáo dục
Dự án Dạy tiếng Anh của Chương Trình Hòa Bình Việt Nam nhằm mục tiêu giúp học sinh phát triển kỹ năng giao tiếp tiếng Anh cần thiết để có thể tiếp cận các cơ hội học tập và/hoặc việc làm. Các Tình nguyện viên của Chương Trình Hòa Bình sẽ được phân công tới các trường học ở vùng nông thôn để thực hiện những mục tiêu sau:
- Nâng cao trình độ tiếng Anh của các giáo viên giảng dạy tiếng Anh và tăng cường việc sử dụng tiếng Anh trong lớp học.
- Tăng cường năng lực sử dụng tiếng Anh nói chung và/hoặc kỹ năng dạy tiếng Anh của giáo viên.
- Nâng cao thành tích tiếng Anh của học sinh, đặc biệt là kỹ năng nói và nghe hiểu, đọc hiểu.
Tất cả các Tình nguyện viên sẽ thực hiện những mục tiêu này thông qua phối hợp lên kế hoạch bài giảng và giảng dạy tiếng Anh ở trường trung học cơ sở được phân công. Các tình nguyện viên cũng có thể đạt được mục tiêu bằng các hoạt động chính quy và phi chính quy được xác định và ưu tiên bởi ban lãnh đạo nhà trường và các giáo viên trong trường. Các hoạt động này có thể bao gồm thiết kế, điều chỉnh và/hoặc thử nghiệm tài liệu giảng dạy; cùng tổ chức các hoạt động ngoại khóa, sự kiện và hoạt động vui chơi nhằm tạo điều kiện thực hành và nâng cao kỹ năng tiếng Anh; dạy mẫu và quan sát các tiết học của giáo viên khác; và tham gia vào các cuộc trò chuyện thường ngày với giáo viên và học sinh trong trường bằng tiếng Anh trong hai năm công tác.
Dự án Dạy tiếng Anh của Chương Trình Hòa Bình Việt Nam rất phù hợp về mặt chiến lược với các ưu tiên quốc gia của Việt Nam và Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT). Kỹ năng tiếng Anh tốt sẽ mở rộng cơ hội học tập và nghề nghiệp cho người dân Việt Nam. Bộ GD&ĐT đã ưu tiên cho việc dạy ngoại ngữ từ năm 2008. Hệ thống giáo dục đang chuyển chương trình dạy tiếng Anh từ hệ 7 năm sang hệ 10 năm; các tiêu chuẩn năng lực mới cũng được đặt ra đối với giáo viên và sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Các gia đình có điều kiện tiếp cận và khả năng tài chính cũng đầu tư thuê gia sư dạy kèm. Tuy vậy, học sinh và giáo viên tiếng Anh trên khắp Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức trong việc đáp ứng những tiêu chuẩn cơ bản.
Các sự kiện chính
2004-2006
Nhận được lời mời chính thức từ Ông Lê Văn Bàng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, Chương Trình Hòa Bình được mời tới Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo được chỉ định là cơ quan chủ trì thực hiện đánh giá quốc gia mới của Chương Trình Hòa Bình.
2006
Đánh giá đầu tiên của Chương Trình Hòa Bình được thực hiện bởi một đội ngũ gồm bốn người, đứng đầu là Giám đốc Quốc gia Chương Trình Hòa Bình tại Thái Lan, ông John L. Williams. Theo kết luận của báo cáo, Việt Nam sẽ cung cấp một môi trường thuận lợi giúp Tình nguyện viên công tác thành công.
2006-2016
Đàm phán thỏa thuận song phương.
Ngày 24/05/2016
Chương Trình Hòa Bình và Chính phủ Việt Nam ký kết thỏa thuận song phương, đặt ra khung hoạt động cho Chương Trình Hòa Bình. Thỏa thuận được ký kết trong chuyến thăm chính thức của Tổng thống Obama tới Việt Nam. Đi cùng với ông là Ngoại trưởng đương nhiệm lúc đó, ông John Kerry. Phái đoàn của Chương Trình Hòa Bình, dẫn đầu là Giám đốc Carrie Hessler-Radelet, bao gồm Phó Tổng cố vấn Lien Galloway và Keri Lowry, Giám đốc Chương Trình Hòa Bình khu vực châu Âu, Địa Trung Hải và châu Á. Thỏa thuận được ký kết bởi Giám đốc Hessler-Radelet và Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Phạm Quang Vinh.
2019
Đánh giá thứ hai của Chương Trình Hòa Bình được thực hiện bởi đội ngũ gồm sáu người, đứng đầu là ông Mark Vander Vort, Giám đốc Vận hành Chương Trình Hòa Bình khu vực châu Âu, Địa Trung Hải và châu Á. Nhóm đánh giá một lần nữa khẳng định rằng môi trường Việt Nam phù hợp để triển khai Chương Trình Hòa Bình, và quá trình đàm phán tiếp tục hướng tới Thỏa thuận Triển khai.
Ngày 10/07/2020 và ngày 17/07/2020
Ký kết Thỏa thuận Triển khai, theo đó đặt ra kế hoạch hoạt động cho Chương Trình Hòa Bình tại Việt Nam. Do dịch COVID-19, thỏa thuận được ký vào hai ngày. Ngày 10/07/2020, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Văn Phúc đã ký Thỏa thuận tại Hà Nội, Việt Nam trong sự hiện diện trực tiếp của Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink, ngoài ra còn có Giám đốc Chương Trình Hòa Bình Jody Olsen tham gia dưới hình thức trực tuyến. Sau đó, văn bản thỏa thuận được gửi tới Hoa Kỳ để Giám đốc Olsen ký trực tiếp trong một sự kiện nhỏ, tổ chức vào ngày 17/07/2020 tại văn phòng Chương Trình Hòa Bình tại Washington, D.C. Lễ ký kết diễn ra với sự có mặt trực tiếp và trực tuyến của các đại diện từ Chính phủ Việt Nam, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và ban lãnh đạo Chương Trình Hòa Bình.
Tháng 10-12/2020
Đội ngũ triển khai Chương Trình Hòa Bình tập hợp tại Hà Nội, Việt Nam,
Ngày 02/03/2021
Bắt đầu tuyển chọn nhân sự tại Việt Nam.
Ngày 22/04/2021
Ký hợp đồng cho thuê thành lập văn phòng đại diện của Chương Trình Hòa Bình Việt Nam.
Ngày 08/05/2021
Chương Trình Hòa Bình bắt đầu tuyển chọn đoàn Tình nguyện viên đầu tiên.
Sự kiện chào đón đoàn Tình nguyện viên đầu tiên đến Việt Nam vào tháng 06/2022 sẽ nối dài truyền thống hoạt động của chúng tôi. Các bên liên quan từ phía Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ cùng chào đón nhóm Tình nguyện viên đầu tiên khi họ tham gia giảng dạy tại cộng đồng trên khắp các quận, huyện của Hà Nội. Chúng tôi rất mong có thể sớm chia sẻ những câu chuyện.
Liên hệ
Vui lòng liên hệ với Chương Trình Hòa Bình qua e-mail: [email protected]